Lượt xem: 658

Bảo hiểm y tế - tấm thẻ vàng vì sức khỏe

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế, thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Với mục tiêu trên mà trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Sóc Trăng luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, người dân, đối tượng thụ hưởng về các chính sách, lợi ích, tính nhân văn của BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

    Những năm qua, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp người có Thẻ BHYT được tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT được khám chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Nhiều trường hợp không may ốm đau có chi phí khám chữa bệnh lớn đã được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh giúp họ giảm gánh nặng kinh tế, có nhiều người bệnh được chi trả chi phí khám chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng.


Hiệu quả mô hình “Tổ hùn vốn mua BHYT” tại xã Tân Thạnh, huyện Long Phú. Ảnh Phương Anh

    Tại tỉnh Sóc Trăng, nhờ tham gia BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua khó khăn trong bệnh tật và cuộc sống, giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh. Như trường hợp bà Phạm Thị Liên - xã Tân Thạnh, huyện Long Phú có hoàn cảnh rất khó khăn khi chồng không may mất sớm, chị 1 mình tần tảo nuôi con, thế nhưng con trai duy nhất lại bị tai nạn giao thông trên đường đi làm, hậu quả bị chấn thương sọ não, phải nằm viện và điều trị bệnh rất lâu để phục hồi lại sức khỏe. Nhờ tham gia BHYT mà chi phí điều trị cho con bà có phần thuận tiện hơn, gia đình chỉ đóng thêm gần 20 triệu đồng trong tổng chi phí là 150 triệu đồng. Bà chia sẻ: “Nếu như không có BHYT thì gia đình tôi không biết xoay sở số tiền trên như thế nào, con trai bà sẽ không qua khỏi, bởi vậy bây giờ tôi khuyên người thân, bạn bè hãy tham gia BHYT để đề phòng những trường hợp không may như gia đình tôi”.

    Bên cạnh quyền lợi khám, chữa bệnh và chia sẻ rủi ro cho người tham gia của chính sách BHYT, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT thanh toán từ 80% - 100% chi phí khám, chữa bệnh tùy từng đối tượng, giúp người tham gia BHYT giảm gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh khi ốm đau, tai nạn, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật.

    Chú Nguyễn Văn Quyên, là cán bộ hưu trí ở ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, bị nhồi máu cơ tim cấp, nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, phải tiến hành nong mạch vành và đặt 04 stent. Nếu không có BHYT, thì gia đình chú sẽ gặp khó khăn khi chi phí điều trị với số tiền dự đoán lên tới hàng trăm triệu đồng. Gia đình khó khăn, lại cao tuổi, chồng tôi bệnh thường xuyên, lần này bệnh nặng chi phí điều trị quá cao, cũng may nhờ có BHYT mà gia đình chỉ đóng khoảng 20 triệu đồng, chứ nếu không có BHYT gia đình, tôi không biết làm sao để lo số tiền quá lớn như vậy.

    Năm 2019, tại tỉnh Sóc Trăng số lượt người khám, chữa bệnh BHYT là trên 3 triệu 600 ngàn  lượt người, với số tiền được thụ hưởng từ chính sách BHYT là hơn 935 tỷ đồng, có nghĩa đã có hàng triệu lượt người được Quỹ BHYT thanh toán với số tiền không hề nhỏ. Số lượt người khám chữa bệnh BHYT trong 6 tháng đầu năm 2020 ước khoảng trên 1.553.000 lượt, với tổng chi phí 408 tỷ đồng; trong đó, điều trị nội trú là hơn 330.000 lượt, với tổng chi phí là 214 tỷ đồng; điều trị ngoại trú và khám cấp thuốc trên 1.220.000 lượt, với tổng chi phí là 194 tỷ đồng; tiếp nhận và giải quyết 23 hồ sơ thanh toán khám, chữa bệnh BHYT trực tiếp, với tổng chi phí là 88 triệu đồng. Điều này minh chứng rằng chính sách bảo hiểm y tế được coi như chiếc phao cứu sinh cho người bệnh, góp phần giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.

    Thạc sĩ, bác sĩ Trương Tú Trạch - Trưởng Khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay cơ sở vật chất, phương pháp điều trị bệnh được nâng cao đồng nghĩa với chi phí khám, chữa bệnh tăng cao, nếu như không có BHYT thì đối với những hộ gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn sẽ gặp khó khi khám, chữa bệnh. Vì vậy, chiếc thẻ BHYT là chiếc phao cứu sinh cho các bệnh nhân khi không may ốm đau bệnh tật, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh nặng, hiểm nghèo.


BHYT là chiếc phao cứu sinh cho các bệnh nhân mắc bệnh nặng, hiểm nghèo. Ảnh Phương Anh

    Theo BHXH tỉnh Sóc Trăng cho biết, để thực hiện mục tiêu hướng tới BHYT toàn dân, thời gian qua BHXH tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện chính sách BHYT tại địa phương. Bên cạnh đó, vận dụng linh hoạt đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, pháp luật về BHYT, cùng với vai trò thiết thực của chính sách BHYT đã giúp người dân dần nhận thức đầy đủ hơn về bản chất nhân văn của BHYT; từ đó, chủ động tham gia như một biện pháp hữu hiệu dự phòng chăm lo sức khỏe cho cá nhân cũng như các thành viên trong gia đình. Nhờ vậy mà số lượt người tham gia BHYT ngày càng tăng. Năm 2019 số người tham gia BHYT là trên 1.270.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là gần 97% dân số trong tỉnh (theo Niên giám thống kê 2018). 6 tháng đầu năm 2020 có gần 1.240.000 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 94% dân số trong tỉnh (theo Niên giám thống kê 2018).

    Chính sách BHYT đã được triển khai thực hiện từ năm 1992 bằng việc ban hành các nghị định của Chính phủ về thực hiện BHYT. Năm 2008, Luật BHYT đã được Quốc hội khóa 12 thông qua. Ngày 16-6-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 823/QĐ-TTg về việc lấy ngày 01-7 hằng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của BHYT, đây là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

    Thực tế cho thấy Quỹ BHYT đóng vai trò quan trọng, như chiếc phao cứu sinh cho các bệnh nhân khi không may ốm đau bệnh tật, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh nặng, hiểm nghèo. Do đó, rất cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, sự chung tay của toàn xã hội để 100% người dân có thẻ BHYT. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng, thì mỗi người dân hãy tích cực tham gia BHYT để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Phương Anh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 8304
  • Trong tuần: 79,011
  • Tất cả: 11,802,331